Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Học tập theo Bác là học tập một tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Học tập theo Bác là học tập một tấm gương của ý chí, nghị lực, phi thường, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi tới đích thắng lợi. Một tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, cả cuộc đời vì nước vì dân. Học tập theo Bác là học tập một tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, gần gũi, thân thương, giàu sức thuyết phục, hết lòng vì đồng bào, đồng chí. Một tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hy sinh hạnh phúc riêng vì hạnh phúc chung của dân tộc. Một tấm gương về nếp sống giản dị, tính trung thực và tinh thần trách nhiệm với dân với nước, nói đi đôi với làm, luôn luôn học tập, rèn luyện, cống hiến, làm điều tốt, nêu gương sáng, tận tụy từ việc lớn đến việc nhỏ.
Có thể khẳng định, việc học tập theo Bác còn nhiều việc phải học nữa, ai cũng có thể học tập và làm theo được, để trở thành một người cách mạng, một người công dân tốt trong xã hội và có ích cho đất nước. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên, mang tính lâu dài, không có thời điểm kết thúc.
Căn cứ vào Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục tự nhận thức và giáo dục nhận thức cho mọi người về sự cần thiết phải học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn cụ thể.
2- Tiếp tục xây dựng và bổ xung các tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng tạo ra động lực và tinh thần tự giác của từng cá nhân, để đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trở thành một phong trào của các cấp ủy, các tổ chức Đảng, Chính quyền và Đoàn thể.
3- Tiếp tục xây dựng, bổ xung và điều chỉnh cách thức tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, phong phú, thiết thực, cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện. Như cách thức tuyên truyền, cách thức sơ kết tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, cách thức khen chê để phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lan toả cả chiều sâu và chiều rộng.
4- Tiếp tục linh hoạt và sáng tạo lồng ghép phòng trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào các công tác chuyên môn của cá nhân, lồng ghép vào các nhiệm vụ của đơn vị và lồng ghép vào các hoạt động phong trào của Đoàn thể.
5- Tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết hóa từng nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho các cán bộ đảng viên, các tổ chức Đảng, các tổ chức Chính quyền và Đoàn thể.
Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình I, là đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam làm công tác giáo dục và đào tạo. Cán bộ giảng viên nhà trường thấm nhuần sâu sắc và nghiêm túc thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những lời căn dặn của Bác đối với giáo dục được phổ biến rộng rãi và thường xuyên đối với cán bộ giảng viên. Bác đã căn dặn ngành giáo dục:
1- “Trách nhiệm vẻ vang của người thầy là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”.
2- “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng và rất vẻ vang”.
3- “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”.
4- “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài và đức. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.
5- “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Từ những lời dạy ấy, nhà trường đã xây dựng những chuẩn mực đạo đức, để đội ngũ thầy giáo, cô giáo phấn đấu. Đó là:
• Nhà giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức.
• Nhà giáo phải có lòng yêu nghề mến trẻ.
• Nhà giáo phải hiểu và tâm lý đối với người học.
• Nhà giáo phải giỏi về chuyên môn và say mê nghiên cứu khoa học.
• Nhà giáo phải có khả năng tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng các phương pháp sư phạm.
Từ những lời dạy của Bác, xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong nghề dạy học, điều đó không khó. Quan trọng hơn tất cả là người giáo viên biến chuẩn đó thành suy nghĩ và hành động thực trong con người mình. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự tự giác của mỗi giáo viên, sự động viên, nhìn nhận đánh giá của tập thể và xã hội. Chuẩn mực đạo đức là cái đích mà mỗi giáo viên cần hướng tới, để tự kiểm điểm đánh giá bản thân mình còn cách xa chuẩn đó bao nhiêu, từ đó tự hoàn thiện và bảo nhau cùng hoàn thiện. Xin trích dẫn câu thơ của Tố Hữu:
“…Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.
Đối với mỗi con người, những trăn trở, vật lộn với cuộc sống đời thường làm cho chúng ta đôi khi sao lãng việc rèn luyện đạo đức, có khi bi quan, suy nghĩ lệch lạc, kém nhiệt huyết… Nhưng khi nhớ Bác, chúng ta lại như có Bác bên cạnh và chúng ta lại muốn: “…Lòng ta trong sáng hơn…”./.
Bí thư Đảng bộ
Nguyễn Xuân Trường